Nhà Giả Kim- Những Năm Tháng Theo Đuổi Ước Mơ


Có hàng trăm hàng ngàn thậm chỉ hàng triệu review về cuốn sách “Nhà Giả Kim”, tôi tự thấy sẽ thật sai sót nếu mình không là đặt bút viết về những điều bản thân khám phá ra sau khi đọc và cả những cảm xúc đang nhảy múa trong lòng. Điều này, không phải cuốn sách nào cũng làm được.
Tôi thấy mình bị thu hút bởi cuốn sách ngay từ lời Vào Truyện, kể về chàng Narziss xinh trai, ngày ngày soi mình xuống bóng dòng sông, đam mê vẻ đẹp của mình tới mức ngã xuống sông mà chết. Câu chuyện vốn dĩ chỉ có thế, nhưng tác giả đã đưa ra một giả thuyết về nỗi tiếc thương anh chàng điển trai. Khi tất cả mọi người đều khóc cho sự mất mát của vẻ đẹp, chỉ riêng dòng sông là khóc vì “mỗi lần chàng Narziss soi mình trên mặt hồ thì em mới thấy được sắc đẹp của chính dòng sông hiện rõ trong đôi mắt chàng”. Vậy đấy, một câu chuyện ngắn vỏn vẹn đôi trăm từ lấy ý tứ từ thần thoại xa xưa nhưng qua một chút biến tấu, tác giả đã lồng ghép vào một cái nhìn mới lạ hơn, sâu sắc hơn. Về bản chất, mỗi người đều nhìn nhận sự vật, hiện tượng theo góc nhìn chủ quan, phiến diện nhưng thực tế, ở mỗi góc nhìn khác nhau lại chứa đựng những tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Từ phía dòng sông, cô gái “dòng sông” ấy không nhìn rõ vẻ đẹp của chàng điển trai Narziss mà lại nhìn rõ vẻ đẹp của chính mình. Có ai ngờ được điều đó?
Santiago, một chàng trai chăn cừu vốn không phải vì chàng buộc phải đi chăn cừu để kiếm kế sinh nhai. Ngay từ đầu, chàng trai ấy đã có những quyết định “rõ ràng” cho cuộc đời của mình. Cậu muốn khám phá thế giới và như cha cậu nói “chỉ có người chăn cừu nay đây mai đó mới có khả năng khám phá thế giới”. Khi một người chăn cừu dám ước mơ, và người chỉ dẫn cho cậu đã nói “ Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được giấc mơ thì cuộc sống mới đáng sống”.
Tôi là một người “từng trẻ”, nếu như các cụ nói 60 năm 1 đời người thì tôi đang dần bước qua nửa đầu của cuộc đời, đã bao giờ tôi thực sự biết rõ ước mơ của mình là gì? Nếu Xuân Quỳnh- đại diện cho mơ ước của người phụ nữ từng nói “Em có ước gì đâu/ Một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa”, liệu đó có phải là mơ ước của tôi? Tôi tin là không chỉ tôi mà còn rất nhiều rất nhiều những người phụ nữ hay những bạn trẻ đều đang không biết mục tiêu cuộc sống hay mơ ước của mình là gì?
Xuyên suốt câu chuyện “Nhà Giả Kim”, tác giả luôn nhắc đi nhắc lại về việc thực hiện ước mơ, những dấu hiệu, những khó khăn mà Santiago phải đương đầu. Những câu chuyện kể lại nghe có vẻ đơn giản để chàng trai vượt qua: từ bỏ lớp học tu sĩ, từ bỏ đàn cừu và cô gái con gái nhà buôn vải mà anh rất thích, bị lừa hết tiền bạc ở một đất nước xa lạ, từ bỏ cuộc sống giàu sang cùng với người bán đồ pha lê để theo đuổi ước mơ, bị bắt biến thành gió cát, bị cướp lần nữa...mỗi con người có bao nhiêu năm để xảy ra ngần ấy biến cố? Và có bao nhiêu người luôn kiên trì, vững tin để sau mỗi lần vượt qua biến cố, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình?
Ở một chương khác, tác giả lại nhắc lại “Càng sống được giống như trong giấc mơ thì đường đời lại càng trùng hợp với mục đích muốn đạt đến trong đời”. Hay như ông chủ tiệm pha lê nơi Santiago đến làm việc, ông cũng có một giấc mơ của một tín đồ Hồi giáo là hành hương đến Mekka, nhưng với ông “Ta chỉ muốn mơ về Mekka thôi. Ta sợ sau khi đã đạt được ước mơ rồi thì không còn gì thúc đẩy mình tiếp tục sống nữa. Cậu mơ có cừu và được thấy Kim Tự Tháp. Cậu khác hẳn ta vì cậu muốn đạt được ước mơ”. Có thể thấy, mỗi người có một cách tạo dựng ước mơ cho riêng mình, đừng ép ai đó phải bằng mọi giá chạm tới ước mơ giống như mình.
Trong gần cuối cuốn sách, nhà giả kim lại trả lời cho những băn khoăn của Santiago “Người ta sợ theo đuổi những giấc mơ vĩ đại, vì cảm thấy không xứng đáng được hưởng, hoặc sẽ không thể nào đạt nổi”
Câu chuyện không chỉ tạo động lực đạt được ước mơ mà có rất nhiều nhân sinh quan khiến ta phải cảm phục. Santiago nói, anh luôn mở mang các mối quan hệ và thường không cố định ở một nơi vì anh cho rằng “ Nếu lúc nào cũng chỉ quan tâm tới một vài người thôi, thì họ sẽ trở thành một phần không thể tách rời của cuộc đời mình. Khi đã như thế thì họ muốn thay đổi cuộc đời mình. Rồi khi ta không thay đổi như họ muốn thì họ sẽ thất vọng”. Tôi đã từng suy nghĩ như vậy và đến bây giờ tôi vẫn đồng ý với quan điểm đó. Điều này không có nghĩa là thờ ơ, không quan tâm đến những người xung quanh. Chỉ nên hiểu một cách đơn giản, mơ ước và cuộc đời của mình là do bản thân mình quyết định, đừng vì những đàm tiếu, những ý kiến, những dị nghị, những phản đối, những lời chê bai rằng mơ ước của bạn là hão huyền, ngu ngốc, viển vông mà từ bỏ. Mơ ước phản ánh thái độ sống và bản chất của bạn, nếu bạn từ bỏ nó, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang từ bỏ và đánh mất chính mình.
Người phu trong truyện cũng có đóng góp không nhỏ khi đưa ra một thái độ sống vô cùng lạc quan “Tôi vẫn sống như từ trước tới giờ. Nghĩa là khi ăn tôi không làm gì khác hơn là ăn. Khi chạy tôi không làm gì khác ngoài chạy. Rồi nếu có phải đánh nhau thì cái ngày tôi chết cũng đẹp như mọi ngày khác. Tôi không sống trong quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ có hiện tại và chỉ quan tâm đến hiện tại...Như thể đời là một ngày hội lớn, một buổi lễ lớn vì đời bao giờ cũng chỉ là khoảnh khắc hiện ta đang sống”. Đoạn hội thoại này cực kỳ sâu sắc. Nếu mỗi giây, mỗi phút con người sống trọn vẹn và hết mình, thì có lẽ họ không bao giờ hối tiếc?
Paulo Coelho là tác giả người Braxin, giống như chất Mỹ- Latinh thấm đẫm trong những tác phẩm khác, ông lồng ghép những quan niệm tình yêu cũng vô cùng sáng tỏ. Khi Santiago thổ lộ tình cảm của mình với Fatima, cô chỉ nói một điều đơn giản “Người ta yêu vì yêu. Cần gì phải có lý do”, hay chính cô là người thúc đẩy anh tìm kiếm ước mơ của mình, một cô gái sa mạc mạnh mẽ và quả cảm “Em muốn anh đi tiếp tục đi tìm kho bàu của mình....anh cứ đi, để làm tròn sứ mênh tiền định của mình. Các đồi cát đổi thay theo gió nhưng sa mạc không thay đổi bao giờ. Tình yêu của hai chúng ta cũng sẽ như thế”. Lời hẹn chờ đợi của Femita đã khiến Santiago của thêm được động lực đạt được ước mơ và trong có một khoảnh khắc cậu đã nói với nhà giả kim “Con người mơ được trở về hơn là ra đi”.
Cuốn sách thực sự hấp dẫn ở chỗ, mỗi một nhân vật xuất hiện đều mang một ý nghĩa nhất định. Từ bà bói già đến nhà vua, người bán hàng pha lê, người Anh, người phu hay cô gái sa mạc, nhà giả kim...mỗi người đều đem đến cho người đọc nhân sinh quan, cách tìm kiếm các dấu hiệu và đạt được ước mơ và giống như nhà vua đã nói “Vì thế hãy cứ ước mơ, cho dù nó là điều gì chăng nữa, vĩ đại hay nhỏ bé, khi bạn làm những điều bạn mơ ước thì cả vũ trụ cũng sẽ giúp bạn. Quan trọng là hãy sống theo con đường mình vạch ra từ đầu. Cuộc đời rất hào phóng với người nào chịu theo đuổi vận mệnh của mình”.
If you liked this article

Let's subscribe the updates of Scuti!
Share on Google Plus

About Anonymous

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Comments:

Post a Comment